Sau khi rạp hát tại số 1 Tràng Tiền (Hà Nội) đi vào hoạt động từ sau Tết Nguyên đán 2014, Nhà hát kịch Việt Nam đã biểu diễn phục vụ công chúng Thủ đô hai vở diễn mới là hài kịch Bệnh sĩ của tác giả Lưu Quang Vũ và vở Lâu đài cát của tác giả Nguyễn Đăng Chương.
![]() Cảnh trong vở Lâu đài cát của Nhà hát kịch Việt Nam.
Bệnh sĩ nằm trong kịch mục mà các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam từng biểu diễn thành công từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, do NSND Đình Quang dàn dựng góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu của Nhà hát kịch Việt Nam và tác giả Lưu Quang Vũ. Trong lần phục dựng này, NSƯT Tuấn Hải được Ban Giám đốc tin tưởng giao làm đạo diễn và NSND Đình Quang làm cố vấn nghệ thuật. Các nghệ sĩ: Xuân Bắc, Phú Đôn, Đình Chiến và tập thể diễn viên Đoàn kịch II của nhà hát thực hiện. Vở diễn lấy bối cảnh vùng làng quê nông thôn, kể về ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm. Họ đều là những người dân hiền lành, chân chất, thật thà nhưng vì tính háo danh, tính "sĩ" mà ai cũng cố gắng phấn đấu cho mình có một cái mác thật sang trọng và hiện đại, để rồi sinh những chuyện "hài" dở khóc dở cười. Cái "sĩ" thời bao cấp khác với cái "sĩ" thời nay, song tư tưởng xuyên suốt của tác giả không bao giờ cũ. "Tưng bừng dối trá, tưng bừng phô trương, tưng bừng thành tích" nhưng cuối cùng hóa ra không phải thế. Cái chốt lại mà nhân vật nhận ra là: "Thà làm gỗ thật còn hơn bạc giả". Vở Lâu đài cát (hay còn có tên gọi khác là Mặt nạ da người) do NSƯT Anh Tú đạo diễn thể hiện góc khuất và mâu thuẫn gia đình Việt Nam thời kinh tế thị trường. Gia đình ông Quân và bà An được biết đến là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, coi trọng đạo lý với những người con thành đạt, giữ các chức vụ cao, có vị trí xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài. Đằng sau sự đạo mạo của họ là thói giả dối, buông thả. Sự thật phơi bày trong nỗi ê chề. Vở diễn cho thấy, những ảnh hưởng tiêu cực, sự tác động của các thói hư tật xấu đã khiến con người phải "đeo mặt nạ" để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân mình. Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý và cái mặt nạ ấy ngày càng dày lên, dẫn đến hệ lụy và bi kịch khôn lường... Hai vở diễn mới của Nhà hát kịch Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều suy ngẫm và những tiếng cười sảng khoái, có ý nghĩa giáo dục và cảnh báo với đạo đức và lối sống của một bộ phận xã hội hôm nay. PV |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét