Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

(Cadn.com.vn) - Nhằm đảm bảo một thị trường văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, những năm qua, Đà Nẵng đã có những chính sách phát triển con giống, kỹ thuật nuôi, cũng như xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và tạo điều kiện kinh phí để hỗ trợ người dân trong việc cải tạo phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm.

Theo khảo sát và đánh giá của cơ quan chức năng, có khoảng 85% lượng thịt heo trên thị trường do các lò mổ tập trung ở Đà Sơn cung cấp. Phần còn lại có nguồn từ Quảng Nam cung cấp theo đường từ Điện Nam – Điện Ngọc hoặc QL1A vào Đà Nẵng và một số ít các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Trần Tới, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Đà Nẵng cho biết, do muốn cung cấp thịt mới mổ nhanh đến các chợ, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, mỗi xe thồ thường chất 4 – 5 con heo trên xe máy, vượt tải trọng quy định cho xe máy (100kg/xe). Heo vừa mổ không được che đậy, không có thùng chở chuyên dụng, không đảm bảo VSATTP.

Năm 2012, Đà Nẵng đã ban hành QĐ 15/2012/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc gia cầm trên địa bàn và tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, Chi cục Thú y đã lập danh sách những người lao động chuyên chở thịt thuê nằm trong diện nghèo, cần được hỗ trợ đóng thùng chuyên chở bằng xe máy. Mỗi thùng trị giá 2 triệu đồng làm bằng thép không rỉ, không làm biến đổi màu, không làm thay đổi chất lượng sản phẩm, có đáy kín, có nắp đậy để vận chuyển. Đến nay, đã có hơn 60/108 cá nhân đăng ký hỗ trợ đóng thùng chuyên dùng cho xe máy. Thành phố cũng đã hỗ trợ cho Cty Đắc Vinh và Hai Phiên đầu tư 2 xe tải chuyên dụng để chở thịt có móc treo trong xe.


Một quầy bán thịt gia súc ven đường.

Trong đợt kiểm tra từ 15-12-2013 đến 15-2-2014, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định pháp luật, đoàn kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện 36 trường hợp vi phạm; cảnh báo, nhắc nhở 31 chủ phương tiện vi phạm về vận chuyển không đúng quy định như: kết hợp vận chuyển thịt heo phía trước đầu xe hoặc vận chuyển bằng ô-tô nhưng không có móc treo; xử lý 4 chủ phương tiện vi phạm và đình chỉ 1 cơ sở có hành vi pha lóc, chế biến thịt bò không đúng quy định trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ.

Ông Trần Cảnh Hùng, Phó Chi cục QLTT, trưởng đoàn kiểm tra cho biết, vẫn còn một số phương tiện vận chuyển bằng xe máy, vì lý do muốn gia tăng nguồn thu nhập đã chở thêm sản phẩm gia súc phía trước cổ xe, và tìm cách len lỏi vào các đoạn đường hẻm, kiệt để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng gây khó khăn cho công tác dừng và kiểm tra, xử lý của đoàn liên ngành.

Hầu hết các cơ sở giết mổ đã thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở, chuyển việc giết mổ dưới nền xi- măng sang giết mổ trên sạp kim loại và mổ treo, đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y. Các hộ giết mổ, chủ phương tiện vận chuyển đã thực hiện nghiêm túc bằng xe chuyên dụng hoặc xe máy có thùng chứa theo quy định.

Đáng ghi nhận là tinh thần làm việc với trách nhiệm cao của đoàn kiểm tra trong khi thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong đoàn vẫn đảm bảo giờ giấc, dù thời tiết rất lạnh và thời gian làm việc từ 1giờ đến 5 giờ sáng.

Để chủ lò mổ, chủ phương tiện, người kinh doanh, nắm bắt kịp thời các quy định của thành phố, đoàn kiểm tra đề nghị UBND các xã, phường, BQL các chợ... tích cực tuyên truyền, phát tờ rơi, dán áp phích về ATTP trong sản xuất lưu thông, giết mổ, sơ chế chế biến động vật, sản phẩm động vật đã qua chế biến đến các đối tượng trên để hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm đi vào nền nếp. Đặc biệt, không được kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên các vỉa hè đường phố.

Trong thời gian đến, bên cạnh việc tuyên truyền, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm tại các vỉa hè trong thành phố, các lò mổ, các chợ, siêu thị...

Được biết, các hành vi buôn bán thịt gia súc gia cầm trên vỉa hè không đảm bảo các điều kiện như Giấy đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận ATTP... có thể bị phạt 7,5 triệu đồng.

Minh Hằng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét