Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

(DĐDN) - Đây là khẳng định của ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại cuộc họp kín nhằm thống nhất mức lương tối thiểu vùng năm 2015 diễn ra sáng 6/8 tại Hà Nội.



Trong lúc này người lao động và doanh nghiệp phải chia sẻ trách nhiệm, hy sinh một phần lợi ích để thúc đẩy đầu tư, sản xuất

Sau khi thống nhất, mức lương tối thiểu vùng 1 năm 2015 ở mức 3.100.000 đồng/người/tháng (tăng 400.000 đồng so với lương tối thiếu năm 2014); vùng 2 là 2.700.000 đồng (tăng 350.000 đồng); vùng 3 là 2.400.000 đồng (tăng 320.000 đồng), vùng 4 là 2.200.000 đồng (tăng 300.000 đồng).

Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng, để đi đến thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng là sự nhượng bộ lớn của phía đại diện người sử dụng lao động.

Theo ông Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế tuy có sáng sủa hơn nhưng vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Thực trạng này cho thấy tình hình các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chính vì vậy, lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu không, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng và không có khả năng tạo thêm các cơ hội việc làm mới cho một nền kinh tế có lực lượng lao động trong độ tuổi lao động lớn như Việt Nam.

Ông Dũng nói: “Quan điểm ban đầu của VCCI là đề xuất mức 11%, tới cuộc họp hôm nay chúng tôi chấp nhận lên mức 14 %. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã nhượng bộ tới mức 15%. Việc tăng lương cần có lộ trình nhưng quan trọng nhất phải căn cứ vào sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay để hướng tới mục tiêu công ăn việc làm. Trong lúc này, người lao động và doanh nghiệp phải chia sẻ trách nhiệm, hy sinh một phần lợi ích để thúc đẩy đầu tư, sản xuất”.

Đánh giá về mức đề xuất lương tối thiểu vùng 2015, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia thừa nhận mức tăng trên chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu.

Ông Huân dẫn chứng kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp thuộc 12 tỉnh, thành phố cho thấy, mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hằng tháng của người lao động ở vùng I là 4,78 triệu đồng; vùng II là 4,13 triệu đồng; vùng III là 3,85 triệu đồng; vùng IV là 3,31 triệu đồng. Có 13,3% số người lao động trả lời thu nhập không đủ sống; 24,5% phải chi tiêu tằn tiện và rất dè sẻn; 49,8% vừa đủ trang trải cuộc sống; chỉ có 12,3% cho biết có tích lũy.

Cụ thể, mức tiết kiệm hằng tháng của người lao động dưới 200 ngàn đồng là 4,8%; từ 200 - 500 ngàn đồng là 17,2%; từ 500 ngàn - 1 triệu đồng là 18,3%; mức trên 1 triệu đồng/tháng là 12,8%. Đánh giá mức độ hài lòng với việc làm và thu nhập hiện tại, có 21,7% số người lao động “không hài lòng”; 56,7% “tạm hài lòng” và 21,5% “hài lòng”. Ở vùng I, mức độ “hài lòng” đạt 22,9%; vùng II là 20,6%; vùng III là 17,6%; vùng IV là 27,6%.

Ông Huân cho rằng vẫn còn sự khác biệt trong quan điểm tăng lương tối thiểu giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện cho người sử dụng lao động). “Tuy nhiên trong quá trình thương lượng giữa các bên đã có sự điều chỉnh, đi đến thống nhất để có một kết quả hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay” - ông Huân nói.

Giải thích thêm về lộ trình tăng lương tối thiểu tới năm 2017 sẽ phải đáp ứng mức sống tối thiểu, ông Phạm Minh Huân cho rằng mức tăng trong các năm 2016, 2017 sẽ phải cao hơn để giải quyết nốt con số 25% còn thiếu của mức lương tối thiểu hiện nay.

Lưu Vân
Bài đọc nhiều:
>>> Tăng lương tối thiểu: Bao nhiêu là vừa?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét