Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Trồng bù rừng là một trong những nhiệm vụ bắt buộc của các nhà máy thủy điện nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, công tác này đang gặp khó khăn do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.


Trồng bù rừng thủy điện dù khó vẫn phải làm

CôngThương - Khó khăn lớn

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng diện tích rừng còn phải trồng thay thế do ảnh hưởng của các thủy điện trên cả nước khoảng 19.792 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng rừng thay thế mới đạt trên 10%, trong đó Tập đoàn Điện lực thực hiện 1.560 ha.

Theo quy định, các chủ đầu tư dự án phải lập và thực hiện phương án trồng rừng thay thế theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP, nhưng thực tế quá trình triển khai đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, nhiều địa phương chưa bố trí được quỹ đất để trồng bù rừng hoặc chậm phê duyệt phương án do chưa thống nhất được đơn giá, thời gian chăm sóc, loại cây trồng...; chưa có hướng dẫn, quy định thống nhất đối với các dự án đã triển khai trước thời điểm hiệu lực của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Lê Trọng Quảng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu- bày tỏ: Khó khăn lớn nhất là các dự án thủy điện nhỏ của doanh nghiệp (DN) tư nhân.

Khi xin dự án, DN cam kết đủ thứ nhưng khi làm rồi thì “chây ỳ” với nhiều lý do để không chịu trồng bù lại rừng, không trả phí dịch vụ môi trường rừng...

Ông Nguyễn Văn Tiến- Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- cho rằng, vấn đề trồng rừng thay thế rất khó triển khai. Ở Lâm Đồng có 8 đơn vị đăng ký trồng bù rừng, song chỉ 2 đơn vị có đất và 6 đơn vị chấp nhận nộp tiền nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do, trong đó có khó khăn về tài chính.


Trồng bù rừng là nhiệm vụ bắt buộc nhằm bảo vệ môi trường

Bộ Công Thương đã cấp phép hoạt động điện lực có thời hạn cho DN, nếu các DN không có phương án, chậm trễ trong triển khai thực hiện trồng bù rừng thì sẽ rút giấy phép.

Cần sự ủng hộ của địa phương

Ông Lê Trọng Quảng cho biết thêm, đất vẫn còn nhưng người dân sở hữu làm nương rẫy từ lâu, việc thu hồi đất rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, tỉnh ủng hộ phương án chủ đầu tư nộp tiền để địa phương thực hiện trồng rừng thay thế bằng cách khoán cho người dân trồng, bảo vệ, chăm sóc. Chỉ có như vậy mới giúp giữ được rừng, bảo vệ môi trường, đồng thời ổn định cuộc sống cho người dân. Đồng ý với phương án cho DN nộp tiền, nhưng ông Nguyễn Lâm Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cho hay, cần có cơ chế theo dõi, giám sát việc trồng rừng thay thế do địa phương thực hiện. Thêm vào đó, phải tạo được sự công bằng trong phân bổ nguồn vốn, ưu tiên các vùng bị ảnh hưởng nặng nề, không thể “bình quân chủ nghĩa”.

Ông Lê Hùng Nam- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn (Tổng cục Thủy lợi- Bộ NN&PTNT) chia sẻ, Bộ NN&PTNT đã ban hành đề án với các quy định cụ thể về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó quy định rõ những diện tích rừng trồng thay thế và diện tích chuyển sang trồng các loại cây lâu năm cho từng năm, trước mắt là năm 2014- 2015, để các địa phương chủ động thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thực tế, bảo đảm phát triển quỹ rừng và sinh kế cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, công tác trồng bù rừng thủy điện hiện dù còn nhiều khó khăn, nhưng phải kiên quyết thực hiện. Ngoài việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp triển khai nhằm bảo đảm các DN, địa phương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, nhưng để làm tốt công tác này cần có sự ủng hộ của địa phương.

Đình Dũng


Trồng bù rừng thủy điện dù khó vẫn phải làm

PHẢN HỒI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét