(Xây dựng) - Trong khi xử lý rác thải đang là bài toán chưa có lời giải phù hợp của cơ quan quản lý thì việc một người nông dân tuyên bố sáng chế ra công nghệ “sản xuất điện từ rác thải”, đã khiến không ít nhà khoa học hoài nghi. Bởi trên thực tế, chặng đường từ sáng chế cho đến thực tế ứng dụng là một khoảng cách vô cùng lớn và không dễ vượt qua.
Khi người nông dân là nhà sáng chế Nhiều tháng qua, vùng quê Thái Thụy, Thái Bình xôn xao thông tin về một lão nông ở xã Thái Giang có một phát minh biến rác thải thành điện sinh hoạt. Đó là lão nông Bùi Khắc Kiên, với mô hình lò đốt rác sản xuất điện phục vụ sinh hoạt, được thiết kế 2 cửa, cửa trên là lò đốt chính, cửa dưới có tác dụng hỗ trợ cửa trên. Khi đưa rác vào lò, nhiệt độ đốt rác phải đạt từ 1.600 - 2.000 độ C, còn ở nhiệt độ thấp sẽ không đủ để phát điện. Với nhiệt độ này, toàn bộ rác thải được đốt sạch, tới mức không còn tro than. Nhiệt độ cao như vậy đảm bảo cho nước bay hơi nhanh trong nồi hơi, tạo nên áp lực làm quay tua bin, sau đó hơi nước tiếp tục được đưa quay về bể ngưng. Tại bể ngưng, nhiệt độ nước khoảng 90 độ C, ông Kiên tiếp tục sử dụng bơm áp lực tiếp nước vào nồi hơi. Nước sẽ sôi ngay nên lượng nhiệt không hề bị suy giảm. Toàn bộ hệ thống phát điện được ông Kiên thiết kế ngay trong mô hình này, nên sau chuỗi tuần hoàn nhiệt và hơi nước, nguồn điện được sản sinh, đấu thẳng vào nhà. Lượng điện sản sinh ra đủ thắp sáng 20 bóng đèn sợi tóc 100W. Đây chính là điểm mấu chốt khiến nhiều người dân ủng hộ ông Bùi Khắc Kiên. Mô hình lò đốt rác để sản xuất điện của ông Kiên được bắt đầu từ năm 2011, sau nhiều lần cải tiến, đến nay nó đã bị “đắp chiếu” bởi các cơ quan chức năng địa phương lo ngại về vấn đề an toàn. Trong khi đó, bản thân ông Kiên cùng nhiều người dân đều cho rằng, ứng dụng của chiếc lò đốt rác sinh điện là có hiệu quả và áp dụng được vào thực tiễn. Giải pháp nào cho các nhà khoa học chân đất? Trong quá trình thử nghiệm công nghệ đốt rác lấy điện, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương đã làm khó ông Kiên, ngăn cản không cho nhân tài phát triển. Nhưng chính quyền địa phương cũng có lý khi không cho ông Kiên vận hành nồi hơi vì có thể gây nguy hiểm cho ông và cho khu dân cư. Bởi trên thực tế, nhiều câu hỏi được đặt ra là ông Kiên sẽ xử lý như thế nào khi đưa hàng tấn rác về cơ sở của ông, xử lý đâu chưa thấy mà đã gây ra ô nhiễm môi trường. Phó Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình, ông Nguyễn Văn Lịch cho hay: Mô hình lò đốt rác sản xuất điện của ông Kiên không đảm bảo an toàn và chưa có sự tính toán về mặt kĩ thuật cũng như hiệu quả của mô hình. Tại văn bản số 312/BC-SKHCN, Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình đã nêu một số nguyên nhân không đồng ý với phát minh của lão ông Bùi Khắc Kiên như: Lò đốt rác do ông tự xây, không có bản thiết kế, không có xử lý môi trường. Rác thải bị đốt ở nhiệt độ cao bằng cách tăng cường cấp khí ôxi cho lò đốt bởi quạt gió công suất lớn. Quan sát bằng mắt thường thấy bụi, khói phát tán gây ô nhiễm môi trường. Nồi hơi do ông Kiên tự sản xuất, hệ thống ống dẫn hơi và áp lực cũng do ông tự thiết kế và hàn nối, chưa được kiểm định về chất lượng và chứng nhận an toàn. Việc không điều chỉnh được áp lực đầu ra khiến cho điện áp phát ra không ổn định, các chỉ tiêu đều không đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng điện. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Việc xử lý rác, tạo ra điện, phục vụ cho đời sống dân sinh và bảo vệ môi trường là quá cần thiết, nhưng để có được sản phẩm công nghệ này, cần có sự thẩm định, hỗ trợ của các cơ quan quản lý khoa học công nghệ, các nhà khoa học chuyên ngành”. TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa cho biết: Trong sản phẩm này của ông Bùi Khắc Kiên có những sáng tạo nhất định. Tuy nhiên, cần phải có những sự định hướng, giúp đỡ của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp của Việt Nam. Những tổ chức này sẽ có trách nhiệm giúp đỡ ông Kiên trong việc xử lý khói bụi, lựa chọn vật liệu chịu nhiệt, môi trường thử nghiệm… Còn đơn vị nào sẽ nhận trách nhiệm này, ông Khải cho rằng sẽ rất khó, bởi nếu muốn giúp được ông Kiên, thì chương trình nghiên cứu của ông phải nâng lên cấp thành… đề án khoa học, trong khi ông chỉ là nông dân. Qua sáng chế lò đốt rác sinh điện của ông Kiên, cần có những cơ chế khuyến khích, động viên những con người có khả năng phát minh, sáng chế, sáng tạo. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thật kỹ, đánh giá chính xác các sản phẩm công nghệ, công trình khoa học để những sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi. Vũ Quang |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét