QĐND - “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông” (Trần Đương-Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009, tr. 166).
Giải quyết mối quan hệ giữa cổ điển và hiện đại Quan điểm của Nghị quyết là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Người ta hay nói “dòng chảy văn hóa” là bởi văn hóa bao giờ cũng có ngọn nguồn, đó là văn hóa truyền thống. Không có nguồn thì không bao giờ có dòng chảy. Bác Hồ đã rất tinh tế khi Người nói chuyện với nhà báo I. Pha-be (Đức): “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông” (Trần Đương-Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009, tr. 166). Đấy là lý luận, thậm chí là lý luận kinh điển nhưng đã được mềm mại hóa thành hình tượng. Ý của Người rất rõ: Phải xây dựng một nền văn hóa tiến bộ bắt nguồn từ truyền thống. Cũng chính Bác Hồ từng căn dặn nhà điện ảnh Phạm Văn Khoa: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu” (Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Nxb Văn học, 1995, tr. 83). Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng văn hóa kiệt xuất, đi trước thời đại, vì con người, hướng con người đến vẻ đẹp văn hóa cao cả nhất! Thực ra, quan điểm của Nghị quyết cũng chính là sự triển khai từ tư tưởng này. Lẽ tất nhiên, để điều chỉnh hay xem trữ lượng văn hóa của dòng chảy ấy thì phải hiểu cái ngọn nguồn kia. Thế cho nên, quan điểm của Nghị quyết là hoàn toàn đúng đắn, để đi đến mục đích khơi thông dòng chảy văn hóa mang các màu sắc đặc trưng là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Chúng ta phải khẳng định thế này: Cây xanh văn hóa có tươi tốt, sum sê cành lá là nhờ nó luôn cắm rễ rất sâu vào mảnh đất truyền thống để hút từ đó những dinh dưỡng tinh hoa. Đồng thời, cây xanh ấy luôn vươn cao hô hấp, quang hợp ánh sáng, không khí của bầu trời văn hóa đương đại. Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời của thời hiện đại thì nó cũng còi cọc, và ngược lại. Thứ ánh sáng và khí trời ấy chính là tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Mảnh đất màu mỡ ấy là văn hóa truyền thống.
Lời của Bác Hồ nói với nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm! Cố mà giữ gìn. Nhưng chớ có gieo vừng ra ngô” (Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Nxb Văn học, 1995, tr. 217), luôn là bài học cho hôm nay khai thác vốn cổ. Phải giữ cho được cái bản sắc nghệ thuật, đồng thời lại phải phát huy, phát triển làm cho nó tươi mới hơn, phù hợp hơn với thời đại mới. Đó là hai mặt biện chứng của một vấn đề mà Bác yêu cầu. Đây lại là một bài học nữa từ Bác Hồ về việc kế thừa và phát triển phải chú trọng tới sự làm mới nội dung để phù hợp với thời đại mới. Đồng chí Vương Văn Long kể, có lần Bác dặn: “Chú Long này, Bác mới đi qua vùng dân tộc, thấy họ kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của các chú nhiều lắm! Kiểu mẫu về nội dung chứ không phải kiểu mẫu về hình thức bên ngoài. Đồng bào là người dân tộc mà các chú bắt mở đường to, xoay hướng nhà ở, thì ai người ta nghe? Làm thế là đảo lộn phong tục của người ta đấy” (Đường Bác Hồ đi cứu nước. Nxb Thanh Niên, 2011, tr. 452). Như vậy có nghĩa là phải chú ý nhiều hơn đến vấn đề làm mới nội dung hơn là hình thức. Sáng tạo như thế nào? Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thường dựa trên ba căn cứ cơ bản là đề tài, chủ đề tư tưởng; tâm hồn tính cách và ngôn ngữ. Ở phương diện thứ nhất thì phải sáng tạo những tác phẩm văn nghệ gắn với đề tài dân tộc, phục vụ cho lợi ích dân tộc. Nhìn từ góc độ này, chúng ta khuyến khích những tác phẩm sáng tạo về đề tài lịch sử, đặc biệt là viết về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hôm qua; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Cái khó của đề tài lịch sử ở chỗ viết đúng như lịch sử thì dễ thành công thức mòn sáo, vượt thoát ra ngoài hình tượng đã ổn định thì dễ bị bắt bẻ làm sai lệch nội dung lịch sử. Vì thế, nhà nghệ sĩ phải đứng trên quan điểm nhân dân là người sáng tạo và làm nên lịch sử. Nhà văn viết về bất cứ sự kiện lịch sử nào cũng đều phải thấy nhân dân là lẽ phải, nhân dân là chính nghĩa. Nhân dân ủng hộ ai, giúp ai, người ấy, lực lượng ấy sẽ thắng lợi và ngược lại. Tác phẩm về đề tài lịch sử là sự sáng tạo, hư cấu trên cái nền đã ổn định của sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Nhà văn có thể tha hồ bay lượn trong không gian tưởng tượng sáng tạo nhưng phải nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến những cảm hứng, làm giàu thêm vốn thẩm mỹ mới cho bạn đọc về lịch sử. Viết về Nguyễn Trãi hay Lê Lợi, nhà văn không nên lệ thuộc vào con số tỷ lệ bao nhiêu là thực, bao nhiêu là hư (ai mà thống kê cho rõ được), anh ta có thể hư cấu tới 80%, 90%, điều ấy không quan trọng. Điều cơ bản là hư cấu làm sao để cho bạn đọc thấy đó vẫn là Nguyễn Trãi, vẫn là Lê Lợi. Nghĩa là qua sáng tạo mới, nhà văn phải làm cho bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu, thêm quý trọng nhân vật lịch sử, nếu đó là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại. Ở phương diện thứ hai thì người nghệ sĩ phải sáng tạo cho được những hình tượng mang tâm hồn, tính cách dân tộc. Có lẽ nên mượn lời gợi ý của Gô-gôn - nhà văn hiện thực Nga: “Nhà thơ có thể là nhà thơ dân tộc ngay cả khi ông ta miêu tả một thế giới hoàn toàn xa lạ, nhưng nhìn nó bằng con mắt của sinh hoạt dân tộc, bằng con mắt của nhân dân mình, khi ông ta cảm xúc và phát biểu thì những đồng bào của ông ta tưởng như chính họ đang cảm xúc và phát biểu”. Nhìn từ nhận định này thì chúng ta phản đối một số tác phẩm văn học hôm nay thích thú với sự mô tả những cảnh làm tình tục tĩu, cảnh đâm chém, cướp hiếp… Chúng ta phản đối một vài bộ phim rẻ tiền câu khách bằng những cảnh nóng lại được đóng bởi các diễn viên trẻ em… Những điều đó xa lạ với một tâm hồn Việt vị tha, thương người và tính cách Việt kín đáo, khoan hòa, giàu lòng trắc ẩn. Ở bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng ít nhiều đều mang tính dân tộc bởi chúng đều sử dụng ngôn ngữ dân tộc, thể loại dân tộc. Chúng ta không đồng tình với cách đặt câu khó hiểu theo cấu trúc câu nước ngoài. Chúng ta cự tuyệt với lối viết văn pha tạp, sính dùng chữ Tây, đặc biệt là tiếng Anh, trong khi từ vựng mình có chữ ấy. Ngày nay, người ta nói “laptop”, “smartphone”, “setup”… bằng tiếng Anh, hình như để cho “mốt”, cho “sang trọng”… Đấy là kiểu sính ngoại đáng phải bài trừ sớm. Trong văn chương, cái đáng quý là cái giọng riêng. Người Việt thâm thúy nói: Chém cha không bằng pha tiếng. Hãy nghĩ và làm theo lời dạy của Nam Cao: "Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi. Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có". Người viết tự khoanh cho mình một vùng thẩm mỹ riêng và “thâm canh” cùng với tâm huyết, sở thích, năng lực, vốn hiểu biết… của mình, thì mới mong sản phẩm của mình mang hồn cốt dân tộc. Gần đây lại có xu hướng cổ vũ cho kiểu “sáng tạo” dùng ngôn ngữ tục với quan niệm cuộc sống có thứ ngôn ngữ nào thì nên đưa vào văn học thứ ngôn ngữ ấy. Ví dụ, lời một bài hát của một nhạc sĩ được nhiều người biết lại có những hình ảnh: “Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi”. Và ngay mới đây lại xuất hiện một luận văn “nghiên cứu” thứ “thơ rác, thơ dơ, thơ nghĩa địa”... Đây chính là một biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên vốn đã có trong văn học Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Chủ nghĩa này lại chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa thực chứng của Ô. Công-tơ, vốn là một thứ triết học phủ nhận bản chất và nguồn gốc của sự vật, chỉ chăm chú với việc trình bày cái thế nào (le comment) mà bỏ qua cái tại sao (le pourquoi). Nhân vật trung tâm của chủ nghĩa tự nhiên là con vật-người bị chi phối bởi các hoạt động sinh lý tự nhiên. Với những hạn chế, nhất là coi thường, hạ thấp con người mà chủ nghĩa này đã vĩnh viễn bị phủ nhận và đi vào lịch sử văn học thế giới với tư cách là những gì lạc hậu, lỗi thời, đen tối. Thế mà nay lại được một số người mượn danh chủ nghĩa này nọ, tư tưởng này nọ, cho nó sống lại, đầu độc nhân dân ta. Dĩ nhiên, tiếp thu truyền thống phải trên tinh thần phản biện, gạn lọc, có kế thừa. Từ góc độ này thì ý kiến của đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư của Đảng ta, là rất đích đáng: “Như vở chèo Lưu Bình-Dương Lễ cho vợ đi nuôi bạn thay chồng. Đó là cái hay trước kia, nhưng bây giờ có phải như vậy là hay không? Bây giờ chắc không ai muốn làm như thế cả, vì như thế là tàn nhẫn đối với phụ nữ” (Về văn hóa văn nghệ. Nxb Văn hóa, 1976, tr. 123). Như thế, những cái gì bất cập, cổ hủ, phong kiến, không phù hợp với văn hóa hôm nay cần phải nghiên cứu loại bỏ. Nhưng cũng không chỉ có kế thừa mà phải kết hợp với làm mới những giá trị truyền thống. Lịch sử văn hóa nhân loại chứng minh, bất kỳ sáng tác của một nhà văn hóa lớn nào cũng đều được bắt nguồn, khơi nguồn từ truyền thống, đồng thời, trong những sáng tác ấy đều có những dấu ấn cách tân rất rõ. Chính L.Tôn-xtôi đã coi sáng tác của Pu-skin là cảm hứng cả về ý tứ và cách viết, đến lượt mình, với những cách tân vĩ đại, sáng tác của L.Tôn-xtôi lại trở thành cái nôi để nuôi dưỡng bao tài năng khác. Chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy trong thơ Hồ Chí Minh có âm hưởng của ca dao, có chất triết lý của thơ Nguyễn Trãi, có nỗi đau đời của thơ Nguyễn Du, có chất hóm hỉnh, tinh nghịch của thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... nhưng cũng rất hiện đại, rất mới mẻ. Như vậy lại mở ra một vấn đề quan trọng khác là phải đầu tư để nghiên cứu các giá trị truyền thống, bởi phải hiểu thì mới biết kế thừa, gạt bỏ cái gì, làm mới đến đâu... Chúng ta phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho những nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, ưu tiên tài trợ những công trình nghiên cứu văn hóa quá khứ. Có công trình lại phải có kế hoạch phổ biến, quảng bá, không nên như hiện nay, nhà nghiên cứu đã mất bao công tìm tòi, bỏ tiền túi để in công trình, có mấy trăm bản thì mấy ai biết đến? PGS, TS, Nhà văn NGUYỄN THANH TÚ Bài 3: Chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét