Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nếu đồng thời không gánh thêm khoản bổ sung vốn 62.000 tỷ đồng của EVN, tiền điện sẽ giảm thêm tới 6.318 tỷ đồng/năm. Với mức dùng trung bình 400 số điện/tháng, hóa đơn tiền điện mỗi gia đình sẽ được giảm hơn 150.000 đồng.

EVN đầu tư lỗ, dân phải chịu


Theo công bố của Kiểm toán Nhà nước tại buổi họp báo sáng nay, 25/7, ông Nguyễn Hồng Long - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI cho hay, nếu không tính chi phí lỗ phát sinh những năm trước năm 2012, giá thành điện trong năm 2012 sẽ giảm đi 12.660 tỷ đồng.

Tương ứng với đó, giá thành điện sẽ giảm đi 120 đồng/KW (120 đồng/số điện).

Thêm nữa, tại thời điểm 31/12/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh bổ sung vốn 62.000 tỷ đồng (đã làm tròn số) từ nguồn chênh lệch do kiểm kê đánh giá tài sản. "Việc bổ sung vốn này không ảnh hưởng trong năm 2012, nhưng tiềm ẩn từ năm 2013 trở đi, giá thành điện sẽ tăng thêm chi phí lớn, ước tính khoảng 6.318 tỷ đồng/năm, tương đương giá thành cao hơn năm 2012 là 62 đồng/KW", ông Long cho hay.

Như vậy, nếu không phải "gánh" chi phí lỗ và việc bổ sung vốn của EVN, giá thành điện sẽ giảm 182 đồng/số điện. Với mức dùng trung bình 400 số điện/tháng, hóa đơn tiền điện mỗi gia đình sẽ được giảm hơn 150.000 đồng.

Khoản lỗ của EVN từ đâu?

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2012, EVN lãi 8.814 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên sau một số năm EVN có lãi do thông qua 2 lần tăng giá điện.

Kết quả kinh doanh năm 2012 trên đã bao gồm xử lý chênh lệch tỷ giá được kết chuyển vào kết quả kinh doanh năm 2012 là 10.535 tỷ đồng, lỗ những năm trước phân bổ vào năm 2012 là 10.482 tỷ đồng. Như vậy, 2 khoản phân bổ vào kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2012 khoảng 21.000 tỷ đồng gồm phân bổ chênh lệch tỷ giá và phân bổ lỗ.

"Tuy nhiên, đã phân bổ như vậy, đến nay, tổng số vẫn phải xử lý lỗ là 18.140 tỷ đồng, trong đó 15.114 tỷ đồng là chênh lệch tỷ giá và 3.026 tỷ đồng là lỗ do kinh doanh. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này là các khoản lỗ khi mà các đơn vị của EVN vay để đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong suốt 10 năm trở lại đây, từ lúc USD mới có 13.000 - 14.000 đồng. Còn khoản lỗ do kinh doanh là do giá bán điện gấp đôi giá thành sản xuất điện", ông Long cho biết thêm.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến 31/12/2012, EVN vẫn nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 12.651 tỷ đồng, trong đó quá hạn từ năm 2011 là 9.650 tỷ đồng; số dư nợ phải thu, phải trả của Công ty mẹ - EVN với các đơn vị trong EVN lớn, không quy định thời hạn thanh toán, việc thanh toán tiền điện của các công ty mua bán điện thuộc Công ty mẹ cho các nhà máy điện thường xuyên chậm.

EVN cũng bị Kiểm toán Nhà nước công bố về tình hình mất cân đối nguồn vốn do sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Mức sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn trong năm 2012 lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra EVN còn phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con/công ty liên kết chưa đảm bảo khách quan, không đúng quy định. Cụ thể, Công ty mẹ EVN nâng giá mua điện của 2 nhà máy điện là Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí và Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ) lên 865,8 tỷ đồng; giảm giá bán điện cho 5 Tổng Công ty điện lực tới 1.717 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này nă 2011.

Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận EVN không đăng ký tiêu thức phân bổ, phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án giá bán điện.

Bên cạnh đó, EVN còn đầu tư tài chính không đúng quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5/8/2010 của Bộ Tài chính (đầu tư vượt mức vốn điều lệ 21.312 tỷ đồng), và đầu tư hiệu quả thấp (lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN bằng 0,62% giá trị đầu tư dài hạn tại thời điểm 31/12/2012).

Theo Seatimes


0 nhận xét:

Đăng nhận xét